Ở miền Nam Việt Nam có câu thành ngữ: “Ông già Ba Tri” để nói về những người lớn tuổi can đảm, không vì trở ngại tuổi tác mà trở nên nhút nhát, khuất phục trước bất bình của xã hội. Câu thành ngữ này còn có ý nghĩa chỉ những người già có công lập nước, lập chợ. Vậy ông già Ba Tri có thật hay không? Nếu có thật thì ông ấy là ai? Mời các bạn cùng nông trại Hải Vân Sân Chim Vàm Hồ tìm hiểu về thành ngữ “Ông già Ba Tri” và giai thoại ông lão đi bộ hơn 1000 cây số để gặp vua lấy lại công bằng.
Tương truyền, ông già Ba Tri là một nhân vật có thật, sinh sống ở Ba Tri – Bến Tre khoảng thế kỷ XVIII, tên là Thái Hữu Kiểm hay còn gọi là Cả Kiểm, là cháu nội ông Thái Hữu Xưa, quê gốc Quảng Ngãi. Khi xưa do có công giúp chúa Nguyễn Ánh trong lúc chạy giặc ở Xứ Nam Kì, nên ông được phong chức “Trùm cả An Bình Đông” ở Ba Tri. Nhờ chức phong này mà mọi người gọi ông là Cả Kiểm.
Cả Kiểm nổi tiếng là người yêu nước thương dân, đã tự mình dựng chợ Trong gần rạch Ba Tri để dân có cơ hội mà làm ăn sinh sống. Thời đó, nhờ vào lưu thông đường bộ và đường thủy thuận tiện nên người dân xung quanh tụ họp về đây để làm ăn. Dân vùng Phú Lễ, Bình Tây,… thường đến chợ Trong để buôn bán làm chợ này trở nên ngày càng tấp nập. Thậm chí cả những người ở các huyện, tỉnh khác của miền Tây như Trà Vinh, Tam Hiệp, Mỹ Tho,… cũng đến chợ Trong để họp chợ thông qua sông Hàm Luông và kênh Ba Tri. Thế nhưng, kênh Ba Tri lại là kênh rạch duy nhất để lưu thông vào chợ. Và đây là lý do xuất hiện câu chuyện “Ông già Ba Tri”.
Chuyện là thế này: Ngay khi vừa dựng chợ, hoạt động được một thời gian thì ông Xã Hạc, chủ của một khu chợ Ngoài, vì tức dân vô chợ Trong, không ra chợ Ngoài nên ông cho người đắp đập khiến ghe không lưu thông từ sông Hàm Luông vào chợ Trong làm dân không làm ăn buôn bán gì được, dân lại đói.
Thấy cảnh dân bị hiếp đáp, ông Kiểm tức lên, quyết định kiện lên quan. Nhưng mà hình như quan ăn hối lộ, xem chuyện này chẳng có gì, liền xử cho ông Xã Hạc thắng kiện với lý lẽ “lệ làng” rằng đất, sông, rạch làng nào thì ở đó được quyền khai thác. Ông Xã Hạc lắp đập ở chỗ ổng thì chẳng có gì sai. “Lệ làng” không làm chủ được cho ông Kiểm thì ông nhờ “lệ Vua” đứng ra giúp ông. Nói là làm, ông lên kinh đô gặp vua để kiện. Ông cùng với hai người nữa tên là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi để đi bộ từ Ba Tri ra Huế, khoảng cách đường đi khoảng hơn 1000 cây số, đó là chưa kể đường miền Tây khi đó sông rạch chằng chịt, đi ra miền Trung còn đèo núi gập ghềnh, nói chung là chuyến đi vô cùng gian nan vất vả. Vậy mà ông với hai người kia cũng khăn gói lên đường.
Khi đó vua Gia Long vừa băng hà, Minh Mạng lên ngôi hoàng đế. Ông Kiểm tới kinh thành thì thấy trống Đăng Văn liền đánh trống kêu oan. Trống Đăng Văn đặt giữa sân, dành cho ai có oan khuất thì đến đập trống sẽ có người ra xử án. Tiếng của nó vang vọng khắp nơi, xa đến 10 dặm. Để phân biệt giữa tiếng trống kêu oan và tiếng trống của Đại nội, nhiều vua Nguyễn cấm không cho người trong Đại nội đánh trống bậy bạ, chủ yếu chỉ để nghe tiếng trống oan của dân.
Vua Minh Mạng sau khi nghe tiếng trống liền ra hỏi ông lão ở đâu, ông đáp: “Lão ở Ba Tri”.
Thông thường có án thì vua sẽ giao cho Tam Pháp ty xử lý. May sao vụ này, vua Minh Mạng lại đứng ra xử lý, vì nghĩ đến tình xưa cả Kiểm từng có ân cứu vua cha lúc lâm nguy khốn đốn. Vua Minh Mạng là người thấu tình đạt lý, sau khi nghe ông Kiểm kể rõ ngọn ngành, vua xử ông thắng kiện, ra lệnh phá bỏ đập vì rạch là rạch chung, phải để ghe thuyền lưu thông cả hai chợ. Nhờ vào lòng dũng cảm của ông Kiểm, người dân chợ Trong cũng có đất mà làm ăn, sinh sống. Sau này, để tưởng nhớ ông già Ba Tri, mọi người đổi tên chợ Trong thành chợ Ba Tri (chợ Đập).
Thành ngữ “ông già Ba Tri” xuất hiện từ đó, người dân địa phương nhớ đến công lao dựng chợ và giữ chợ của ông nên truyền tai nhau về câu chuyện có một ông lão không ngại đường xa đi bộ hơn 1000 cây số để đấu tranh cho lẽ phải . Vậy nên từ đó về sau, thành ngữ “ông già Ba Tri” để nói đến những ông già không sợ bất cứ ai, đã làm gì là làm tới bến.
Xung quanh câu chuyện “ông già Ba Tri” cũng xuất hiện nhiều dị bản. Có những chuyện không nhắc đến tên ông nhưng nội dung chính vẫn là có một ông già không quản đường xá xa xôi đi kiện ở Vua để giành lại công bằng. Có chuyện lại bảo ông Xã Hạc là bạn của ông Kiểm, vì muốn thắng kiện nên cả hai cùng lên kinh thành Huế để thưa kiện. Có bản thì nói người theo ông Kiểm lên kinh đô chỉ có hai người bạn của ông thôi. Nói chung là chuyện xa xưa
Vùng đất Ba Tri không những nổi tiếng có ông Kiểm dũng cảm mà còn là nơi có đến ba ngôi mộ của ba vị danh nhân văn hóa lớn của lịch sử nước nhà. Đó là đền thờ Nguyễn Đình Chiểu, cùng với đó là mộ vợ và con gái (Sương Nguyệt Anh). Đền thờ thứ hai là của nhà giáo Võ Trường Toản và đền thờ thứ ba là mộ của quan Đại thần Phan Thanh Giản. Ta có thể thấy, tuy đây chỉ là vùng đất nhỏ nhưng lại là nơi an nghỉ của những nhân vật quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
Hình ảnh ông già Ba Tri dũng cảm, thương dân là khuôn mẫu cho hình ảnh của những cụ già miền Tây Nam Bộ đức độ, tốt tính. Hỏi những người lớn tuổi ở quanh Ba Tri, không ai là không nghe đến tên tuổi của ông già Ba Tri. Tuy danh tiếng của ông chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác nhưng quanh tỉnh Bến Tre vẫn biết ơn một ông lão dũng cảm từng giúp dân có chỗ làm ăn.
Đến chợ Ba Tri, hỏi nhà thờ của ÔNG GIÀ BA TRI, người dân buôn bán trong chợ ai cũng biết. Đến thăm nhà của ông già Ba Tri toạ lạc tại chợ Ba Tri, chúng tôi được gặp thầy giáo Thái Hữu Chí ( nguyên giáo viên trường THPT Phan Thanh Giản, Ba Tri – truyền nhân đời thứ 7 của Cả Kiểm – Ông già Ba Tri. Thầy Chí kể rằng: “Đây là ngôi nhà xưa qua bao thế hệ của dòng học Thái Hữu. Ngôi nhà được trùng tu sửa chữa rất nhiều lần và được con cháu giữ gìn, chăm sóc thường xuyên.
Ngôi nhà có kiến trúc 3 gian xưa, gian chính thờ Quan Công, gian trái thờ cụ tổ Ông già Ba Tri, gian phải thờ bà cố 5 và còn rất nhiều linh vị của các cụ trong gia đình, dòng tộc. Ông kể, trước đây, đất của gia đình là nguyên một dãy trong chợ rất rộng. Nhưng trước tiếp quản, nhiều bà con chạy giặc mà vào đây xin lánh nạn, cất nhà tranh tạm bợ để trốn giặc. Về sau, họ ở được rồi ở luôn, các cụ tổ nhà tôi cũng để cho dân ở, rồi họ chiếm thành của riêng.
Hằng năm, đám giỗ của ông già Ba Tri và các cụ tổ trong dòng tộc Thái Hữu đều được gia đình tổ chức, Chính quyền và người dân địa phương cũng góp mặt tham gia vào đám giỗ của ông già Ba Tri để tưởng nhớ công ơn dựng chợ và giữ chợ của ông. Sở Văn Hoá Thể Thao Và Du Lịch Bến Tre đã có 2 lần làm hồ sơ và đề nghị công nhận di sản văn hoá cấp tỉnh nhưng do các thành viên trong dòng tộc hiện đang sống và làm việc ở nhiều nơi nên chưa lấy được hết các ý kiến của các thành viên trong gia đình.
Xin mời các bạn có dịp về Bến Tre, ghé thăm nhà ông già Ba Tri và nghe giai thoại về câu chuyện có một ông lão không ngại đường xa đi bộ hơn 1000 cây số để đấu tranh cho lẽ phải. Đừng quên ghé nông trại Hải Vân Sân Chim Vàm Hồ để tham quan, trải nghiệm nhé! Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết! Hẹn gặp lại các bạn tại nông trại Hải Vân Sân Chim Vàm Hồ.
Bài viết được biên tập theo lời kể của thầy Thái Hữu Chí, truyền nhân đời thứ 7 của ông già Ba Tri và các tài liệu sưu tầm. Tổng hợp và biên tập nội dung: Ths Lê Thị Bé Nhung.
………………………………………………………………………..
Để biết thêm nhiều thông tin hấp dẫn về nông trại và các hoạt động trải nghiệm của tour học sinh, mời các bạn xem thêm các thông tin tại các liên kết từ fanpage và youtube của nông trại Hải Vân Sân Chim Vàm Hồ. Đặc biệt, nông trại có thiết kế tour theo yêu cầu của đoàn, chính sách giá tốt dành cho các đơn vị lữ hành, các đơn vị khách đoàn có số lượng lớn kết nối trực tiếp tại khu vực Thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam.
Mọi chi tiết, kính mời quý vị và các bạn liên hệ về:
CÔNG TY TNHH DU LỊCH SINH THÁI HẢI VÂN
NÔNG TRẠI HẢI VÂN SÂN CHIM VÀM HỒ
🏆Sản phẩm du lịch đạt chuẩn Ocop 4 sao
🏆Giải thưởng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
🏆Tham gia công diễn xác lập kỷ lục thế giới 222 món ăn chế biến từ dừa
🏆Điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng Sông Cửu Long
🏆Giải thưởng món ngon Xứ Dừa
📌Địa chỉ: ấp Tân Quí, xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre
☎️ Đt/Zalo: Mrs Nhu 0903759744
Lăn chuột để khám phá
thêm các tin tức thú vị khác