Du lịch sinh thái, trải nghiệm Nông trại Hải Vân
Nhớ hồi còn sinh viên, ở Ký túc xá Minh Trí, các bạn cùng phòng từ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cho tới Bạc Liêu, Cà Mau ngày nào cũng kể cho nhau chuyện ở quê mình. Chủ đề thường xuyên nhất là về các món ăn vì những năm đầu 1980, lương thực thực phẩm vô cùng khan hiếm, chỉ được mua theo tiêu chuẩn định sẵn. Ai kể món gì cũng nói là món ngon nhất ở quê mình. Có lần tôi đang say sưa kể về món tép rang dừa, nhỏ bạn dân Long An chêm vô “dân Bến Tre ăn kỳ quá, tép rang mà bỏ nước cốt dừa vô làm sao mà ăn?”. Chạm tự ái, tôi đã kể ra cả chục món có nước cốt dừa của dân xứ Dừa nhưng hồi đó tôi chưa biết món bánh canh tôm nấu với nước cốt dừa. Phải mấy chục năm sau mới phát hiện ra món này. Nhất định phải cho bạn nếm thử để biết “Bánh canh tôm mà bỏ nước cốt dừa vô thì làm sao mà ăn?”. Ẩm thực vốn tinh tế và công phu lắm. Bánh canh ngon không chỉ là nhờ bột, tôm, nước cốt dừa… mà còn phải được thưởng thức trong không gian và thời gian thích hợp. Buổi sáng ở Nông trại Hải Vân mát mẻ, gió sông Ba Lai nhè nhẹ mang hương thơm của các loài hoa, món ăn đầy ắp tình quê thêm gia vị tình bạn đã tạo dấu ấn sâu đến nỗi sau này mỗi lần có dịp về Nông trại các bạn tôi dù đi cùng ai, bất kể buổi nào trong ngày cũng không bỏ qua món này.
“Bánh xèo ở đâu cũng có, làm gì phải về tận Nông trại Hải Vân – Sân chim Vàm Hồ để ăn?”. Cái bánh giòn rụm mà không bị thấm đẫm dầu nhờ có nước cốt dừa pha trong bột, hến từ sông Ba Lai tươi ngon cùng với củ hủ dừa làm nhân. Rau ăn kèm bánh xèo không chỉ là xà lách, cải xanh và các loại rau thơm như húng quế, diếp cá, húng cây, húng lủi, tía tô như dĩa rau ở các quán bánh xèo miền Tây ở Sài Gòn mà còn có lá lốt, lá đinh lăng, lá cách, lá chùm ruột, lá lụa, lá giấm, lá xoài, lá cóc… giống như một phòng triển lãm các loài rau thu nhỏ. Mỗi loại có hương vị riêng và phối hợp những hương vị nào trong từng cuốn bánh xèo là nghệ thuật sáng tạo của từng thực khách. Còn nước mắm pha với nước dừa tươi để chấm bánh xèo chắc chỉ có ở xứ dừa. Vậy nên các bạn của tôi đi về 6 tiếng đồng hồ để ăn bánh xèo ở đó mà không thấy xa vì lượt đi thì háo hức, lượt về thì rôm rả bàn luận về các loài rau và ai cũng cho là cách phối hợp của mình là tuyệt vời nhất. Không sao, mỗi người một ý thích mà, hẹn lần sau sẽ thử cách phối hợp của bạn để biết thêm hương vị khác.
Một loài cây có hai tên trái ngược nhau thật lạ. Bần khiến người ta nghĩ đến sự nghèo khó và Thủy liễu sẽ liên tưởng đến sự sang trọng. Bần trái dẹt nên được gọi là bần dĩa mọc khắp ven sông miền Tây Nam bộ. Bần trái nhỏ tròn như trái ổi được gọi là bần ổi thì mọc trong vườn. Trái bần chín có vị chua thanh dùng để nấu lẩu cùng với các loại tôm, cá sông là một trong những món ăn thường ngày của dân miền Tây. Đi tàu dọc sông Ba Lai, chúng ta sẽ thấy những cây bần đầy trái và có thể dễ dàng tự tay hái những chùm bần chín về cho nhà bếp của Nông trại nấu lẩu với các loại cá như cá ngát, cá bông lau, cá chẽm… hay tôm càng xanh đánh bắt từ sông Ba Lai. Lẩu bần ở Nông trại ngon không tưởng dù cho người nấu chưa từng học qua trường lớp nào về nghề bếp. Vị nước lẩu độc đáo vì được nấu bằng nước dừa tươi được trồng rất nhiều trong Nông trại. Ở đây có 7 giống dừa nào là xiêm xanh, xiêm lục, xiêm đỏ, xiêm núm, ẻo nâu, ẻo xanh, dứa chứ không phải chỉ có một loại là dừa Bến Tre. Muốn nếm thử đủ 7 loại để so sánh hương vị chắc phải ở lại một tuần chứ hổng lẽ về Nông trại hai ngày chỉ uống nước dừa? Còn bao nhiêu là thứ ngon khác như khoai mì ruột vàng, bưởi da xanh, ổi, thanh long, mận, đu đủ, mít… nữa, chưa nếm chưa về.
Tạm biệt Nông trại, trên đường trở về thành phố lần nào các bạn tôi cũng bình luận ngắn gọn: “Ăn đã mà cười cũng đã”. Họ về đó ngoài ăn còn chơi gì mà cười thiệt đã? Thấy tụi nhỏ chạy xích lô vù vù ham quá, nghĩ là xe ba bánh thì không thể té bèn thử cho biết. Có vẻ được nên kiu bạn ngồi lên chở, đường thẳng thì không sao tới lúc quẹo cua mất thăng bằng té lăn cù. Không sao vì chiếc xe nhỏ xíu à. Rồi rủ nhau xuống hồ lấy xuồng chèo, có bạn bị trợt chân té xuống nước, mọi người hoảng hồn vội vàng kéo lên thì bạn tỉnh bơ nói: “sao thấy tui té không chụp hình mà kéo lên liền vậy?”. Đi dạo quanh Nông trại, thấy khoảng đất trống, một bạn bày “chỗ này chơi tạt lon ngon à nha”. Vậy là mọi người hào hứng đi kiếm cái lon sữa bò để chơi. Đã nửa thế kỷ qua không ai còn nhớ rõ luật chơi. Tranh cãi một hồi rồi cũng vẽ được cái vòng để cái lon, gạch được một đường làm mức đứng để chọi cho cái lon ngã. Không ai tự nguyện làm người giữ lon nên phải thảy chiếc dép/giày coi của ai xa mức nhất thì người đó phải giữ lon. Rồi mạnh ai nấy tạt, dễ gì làm ngã được cái lon đâu. Chờ có ai đó tạt trúng, cái lon văng ra xa, người giữ lon lo chạy lấy cái lon thì cả đám chụp chiếc dép/ giày của mình chạy dìa mức. Đã chơi thì có ăn gian, nên cũng “mày, tao” y như thời mới lên chín lên mười, cười đã thiệt. Cười là thuốc bổ nhưng đã là thuốc thì bổ gì cũng có tác dụng phụ. Tàn cuộc chơi có mấy người bị khản tiếng luôn bèn tính ngày mai chỉ cười mỉm thôi.
Năm giờ sáng thức dậy ra bến sông để chiêm ngưỡng bình minh trên sông Ba Lai. Tưởng chỉ có nhóm mình thức dậy sớm, ai dè ở cầu tàu đã có một nhóm bày máy chụp hình, quay phim sẵn rồi. Ủa, mấy em này không ngủ hay sao? Nhìn công cụ đoán là dân chuyên nghiệp nhưng họ nói chỉ là chơi nghiệp dư. Đúng là chơi cũng lắm công phu, dàn dựng từ 3g khuya để chờ mặt trời lên chụp cảnh bình minh trên sông. Chờ nhóm này chụp xong mình hãy tập Yoga chứ công người ta như vậy lẽ nào mình tranh cái cầu tàu. Các em cũng biết nhóm mình nhường chỗ nên để cám ơn chụp cho một vài tấm, công nhận là rất nghệ thuật nhưng nhìn không biết là ai. Coi hình, cười mỉm thôi.
“Ủa, bữa nay ngày gì mà trẻ nhỏ đông dữ vậy ta?”. À thì ra là các học sinh tiểu học đến đây để trải nghiệm các hoạt động ngoài trường học. Háo hức với bộ quần áo nhà nông, tụi nhỏ chạy xe lôi, chèo xuồng, đu dây, đi cầu khỉ, đã rồi lội mương bắt cá, hò hét cười nói vang trời… Nhìn tụi nhỏ vui chơi nhớ về thuở lên chín lên mười, kỷ niệm ùa về, cười mỉm thôi.
Còn nữa, Nông trại liền kề Sân chim Vàm Hồ là khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn với nhiều cảnh quan kỳ thú. Chỉ cần đi bộ khoảng 1km thôi là cũng đủ để biết rồi chớ sân chim này rộng tới hơn 60 ha. Không thích đi bộ thì có tàu của Nông trại đưa đi trên sông Ba Lai dọc theo bìa rừng sẽ vừa nhìn thấy chim cò chao liệng vừa cảm nhận không gian êm đềm nơi dòng sông dừng lại. Mỉm cười chào cống đập Ba Lai.
Nguồn: Du lịch sinh thái, trải nghiệm Nông trại Hải Vân của PGS. TS Đoàn Thị Mỹ Hạnh – Trường Đại học Văn Hiến đăng trong Đặc san Văn hóa Bến Tre số 29, tháng 2/2021
Lăn chuột để khám phá
thêm các tin tức thú vị khác